Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Cà phê Kopi Luwak

Cà phê Kopi Luwak



Ly cà phê đắt nhất thế giới

Đây là một ly cà phê đắt nhất thế giới, cà phê Kopi Luwak. Nó được bán tại London với giá 70 Bảng Anh ( khoảng 100 USD). Bí mật đằng sau hương vị phức tạp của nó, là nó được chế biến từ chất thải của một loại động vật hoang dã trên đảo Sumatra của Indonesia, có tên là Luwak.
Loài Luwak, một loài chồn hương bản địa, sau khi ăn những trái cà phê chín đỏ, hệ tiêu hóa của nó chỉ tiêu hóa được phần ngoài của trái cà phê, còn những hạt cà phê không tiêu hóa được thải ra ngoài. Người ta thu những hạt này và chế biến ra cà phê Kopi Luwak. Người ta cho rằng, những hạt cà phê này được lên men trong hệ tiêu hóa của chồn hương, đã cho ra một loại cà phê có hương vị độc đáo nhất, không tìm thấy ở đâu. Sản lượng của loại cà phê này không có nhiều, một năm chỉ có thể thu được khoảng 450 lb ( lb = pound = 0,4535 kg), vì vậy nó rất hiếm và đắt.

Cà phê Chồn

Ngoài Indonesia ra, Việt Nam cũng có loại cà phê này. Nó được gọi là cà phê Chồn.



Loài chồn hương ( luwaks)

Theo một số người trồng cà phê tại DakLak kể lại rằng:
Ngày trước, khi rừng còn nhiều, loài chồn hương ( cầy hương) có khá nhiều ở Tây nguyên. Chúng thường hay phá hoại mùa màng của người nông dân trồng cà phê, bằng việc lựa những trái cà phê chín nhất để ăn. Khi người ta tìm thấy hang ổ của chúng, người ta phát hiện ra những hạt cà phê trong chất thải của chúng còn nguyên vẹn. Sau khi được mưa nắng rửa sạch, những hạt cà phê này không khác mấy với những hạt cà phê của họ đã chế biến. Tiếc những công lao vất vả của mình bị lũ chồn phá hoại, họ thu nhặt những hạt cà phê này về rửa sạch và sử dụng cho riêng mình. Họ phát hiện ra một hương vị độc đáo của thứ cà phê này. Từ đó, họ tìm những hạt cà phê này, để chế biến cho mình một thứ cà phê như là đặc sản.

Xem thêm: Cây cà phê


Ngày nay, cà phê chồn là một loại cà phê đắt giá và quý hiếm. Vì vậy, một số cơ sở ở DakLak đã đầu tư vào việc nuôi chồn bằng trái cà phê chín để khai thác loại cà phê chồn này. Bước đầu, nhiều nơi đã cho được kết quả khá khả quan.

Ẩm thực của con người, kể ra cũng có nhiều thứ độc đáo và... quái đản. Cà phê Kopi Luwak - Cà phê Chồn là một trong những thứ đó. Nó là một thứ hàng hiếm, vì vậy không phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức được mùi vị đặc trưng của cà phê Kopi luwak.

By: Thu Lam Nguyễn

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Cà phê Cappuccino

Cà phê Cappuccino là một loại cà phê được pha theo kiểu Ý. Nó bao gồm 3 thành phần chính là: cà phê espresso lungo, sữa nóng bọt sữa. Ngoài ra, nó còn có thêm một số thành phần làm tăng khẩu vị như: bột ca cao, bột quế...


Cà phê cappuccino ( Carpub coffee)

Xuất xứ

Cà phê cappuccino có xuất xứ từ nước Ý. Tên loại thức uống này, Cappuccino ( phát âm như: ca-pu-chi-no), có nguồn gốc từ tên gọi các nhà tu, dòng Capuchin. Người ta hình dung màu sắc của một ly cà phê cappuccino hoàn hảo, giống như màu chiếc áo thụng của các nhà tu này, cùng với chiếc mũ màu trắng như bọt sữa ở trên ly. Trong tiếng Ý, chiếc mũ của dòng tu này gọi là cappuccino. Dòng tu Capuchin rất được kính trọng ở Ý, nên loại cà phê cappuccino là một thức uống rất có ý nghĩa đối với người dân Ý. Họ dùng cà phê cappuccino, như một loại thức uống chủ yếu, vào mỗi buổi sáng.
Trong những năm gần đây, cà phê cappuccino là một loại cà phê, được ưa chuộng và phổ biến trên toàn thế giới.

Cách pha cà phê cappuccino

Cà phê cappuccino hoàn hảo phải được pha từ cà phê espresso.

Xem thêm: Cà phê espresso

Cà phê cappuccino bao gồm 3 thành phần đều nhau, đó là: cà phê espresso, sữa nóng và sữa được tạo bọt.
- Cà phê espresso được pha với một lượng nước gấp đôi ( espresso lungo).
- Sữa nóng: Loại sữa đặc có đường, được làm nóng lên.
- Sữa bọt: Loại sữa tươi có hàm lượng béo cao. Cho đũa hơi ( từ máy pha cà phê espresso) vào trộn hơi nước có nhiệt độ từ 60 đến 70 độ C. Khi thể tích sữa tăng lên gấp đôi là được.


Tạo bọt sữa

Cách pha:


Cà phê cappuccino được pha trong tách có độ dày và được làm nóng lên trước. Sau đó cho sữa nóng vào trước, tiếp đó, cho cà phê espresso vào, cuối cùng cho sữa tạo bọt vào. Khi cho sữa tao bọt vào là lúc tạo hình nghệ thuật cho tách cà phê.
Tùy theo tay nghề của người thợ pha để có được những hình nghệ thuật hấp dẫn. Tách cà phê cappuccino cần phải đậm ( Không giống như loại Latte, có lượng bọt sữa nhiều hơn), vì vậy chỉ có thể tạo được một số hình đơn giản. Để tăng thêm khẩu vị, có thể rắc lên trên mặt bột ca cao, bột quế, chocolate...


Tạo hình nghê thuật cho Cappuccino

Các biến thể

Là  một thức uống có nguồn gốc từ Ý, nhưng khi du nhập vào các nơi khác, tùy theo từng khẩu vị của mỗi dân tộc, cà phê cappuccino có nhiều biến thể khác nhau.
Ở các nước châu Âu, như: Đức, Áo..., thay vì dùng sữa được tạo bọt, người ta cho kem sữa vào.
Ở Việt Nam ta, do thời tiết nóng, nên cũng có nhiều biến thể. Cà phê cappuccino, ngoài loại pha nóng, còn chủ yếu là pha lạnh. Cà phê cappuccino được thêm nước đá và thay sữa tạo bọt bằng sữa được làm thành kem sữa. Kem sữa được làm từ loại sữa tươi giàu béo và làm lạnh cấp kỳ bằng LN2 (Ni tơ lỏng).


Cà phê cappuccino lạnh

Có một thực tế là, hiện nay trên thị trường có rất ít nơi thực sự có cà phê cappuccino. Tên thì có đầy trong các quán, nhưng để pha được đúng cà phê cappuccino thì không phải là điều đơn giản. Ngoài kỹ thuật, tay nghề ra, nó còn cần có những máy chuyên dụng. Các máy này không hề rẻ tiền. Rất nhiều quán, tiếng là có máy pha cà phê, nhưng thực ra đây là những loại máy pha cà phê theo dạng tự chảy, không phải máy cà phê áp suất cao. Không có máy pha cà phê áp lực, không thể có được cà phê espresso đúng nghĩa được.

Cà phê cappuccino là một loại thức uống cà phê cao cấp và phổ biến trên thế giới. Nó mới được du nhập vào Việt Nam, vì vậy nhiều người còn chưa hiểu về nó. Khi người ta hiểu rõ cappuccino là gì, cùng với đời sống ngày càng được nâng cao, người ta sẽ biết tìm đến nơi thực sự có Cà phê cappuccino.

By: Thu Lam Nguyễn
         Carpub coffee

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Cà phê Espresso

Để có được những ly cà phê Carpub hoàn hảo cho bạn, chúng tôi phải sử dụng cà phê Espresso để pha chế. Vậy cà phê espresso là gì?


Cà phê Espresso là gì?

Cà phê Espresso không phải là một loại giống cà phê mới, mà nó là một cách pha cà phê hiện đại, có đặc trưng riêng. Đây là cách pha cà phê có nguồn gốc từ Ý và là kỹ thuật cao nhất được áp dụng cho các máy pha cà phê chuyên nghiệp hiện đại. Nguyên lý cơ bản của nó là cà phê phải được tuyển chọn, xay rất mịn và cho hơi nước có áp suất cao bắn qua bằng máy pha cà phê chuyên dụng.

Cách pha cà phê Espresso

Để có được cà phê espresso hoàn hảo là cả một nghệ thuật, từ khâu lựa chọn cà phê hạt, pha trộn các loại cà phê, rồi đến rang xay và nhất là kỹ thuật chiết xuất.
Trong tiếng Ý, chữ "Espresso" có nghĩa như từ "Express" trong tiếng Anh. Nó có nghĩa là cà phê được phục vụ cho khách hàng ngay lập tức. Cách pha espresso có đặc trưng được quy định bằng 4 chữ M. Đó là: Macinazione nghĩa là cách xay cà phê, Miscela là cách pha trộn cà phê, Macchine là máy pha cà phê và Mano là do bàn tay khéo léo của người pha cà phê. ( Tiếng Ý)

1. Chọn lọc cà phê

Cà phê được chọn lọc ngay từ khâu thu hoạch. Chỉ những trái cà phê đã chín đỏ mới được mới được hái, sau đó được loại bỏ vỏ và sấy khô. Muốn có được loại cà phê này, chúng tôi phải đặt hàng tại các nhà vườn trồng cà phê tại Daklak.

2. Trộn cà phê

Cà phê được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định giữa các loại cà phê gồm: Cà phê Arabica ( cà phê chè), Cà phê Robusta ( cà phê vối) và cà phê Liberia ( cà phê mít). Mục đích  là để có được cà phê có hương vị đặc trưng riêng, vì mỗi loại cà phê đều có mùi vị và tính axit riêng.

Xem thêm: Cây cà phê

3. Rang xay

Cà phê được rang vừa tới, không quá cháy và điều đặc biệt là không thêm các loại gia vị chế biến vào như các loại cà phê bột trên thị trường. Sau đó, cà phê được xay ra mịn nhất có thể và được sử dụng tốt nhất trong vòng 48 tiếng đồng hồ, kể từ sau khi rang.

4. Cách pha cà phê espresso

Để có được cà phê espresso, cần phải có những máy pha cà phê chuyên dụng. Nguyên lý hoạt động của nó là dùng hơi nước ở 100 độ C, bắn qua các hạt cà phê mịn và chiết xuất các chất có trong các hạt cà phê.



Sơ đồ nguyên lý máy pha cà phê espresso


Cà phê được xay rất mịn, sau đó cho vào filter và được ém chặt:



Cà phê xay mịn được cho vào filter

Tiếp theo, cho vào máy:


Máy pha cà phê espresso ( carpub coffee)

Hơi nước có áp suất cao được bắn qua cà phê và chiết xuất các chất trong cà phê ra:



Cà phê chảy ra có màu vàng sậm

Từ cà phê espresso gốc này, sau khi pha chế thêm các loại sữa, đường, ca cao, kem..., tùy theo từng loại khác nhau, cho ra các loại cà phê có tên gọi khác nhau:


Cà phê Carpub

Cà phê pha theo kiểu espresso sẽ cho ra loại cà phê cao cấp nhất, có hương vị đặc trưng. Đây là cách pha cà phê hiện đại nhất và phổ biến trên thế giới hiện nay. Nó là loại mà các tín đồ cà phê trên thế giới ưa thích. Nếu bạn chưa thử với cà phê espresso, chưa chắc bạn đã hiểu hết về cà phê.

By: Thu Lam Nguyễn

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Cà phê Take away: Không đơn thuần như nhiều người nghĩ

Cà phê Take away ( Take away coffee - Cà phê tay cầm, mang về) là một hình thức kinh doanh, thưởng thức cà phê hiện đại. Nó mới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Vì vậy cũng có rất nhiều người chưa hiểu tường tận về nó nên có những cách nhìn phiến diện.
Cà phê Take away không đơn thuần như nhiều người nghĩ. Không phải tự nhiên mà nó phát triển mạnh ở các nước có cuộc sống công nghiệp, rồi du nhập vào Việt Nam, một nước nằm trong top đầu về sản lượng cà phê trên thế giới.


 Cà phê Take away ( carpub.us)

Những ý kiến trái chiều:

Trên báo mạng Vietnamnet.vn có bài: "Cà phê take away: Nở rộ rồi chết yểu?", đăng vào ngày 13/ 12/ 2013. Tác giả đã dẫn lời như sau: Nhiều nơi thấy họ để tủ ngoài vỉa hè, thuê cả nhân viên về bán rồi đặt tên là lạ thôi chứ so với cà phê cóc cũng không khác biệt”.

Trên tờ VnExpress.net thì có bài: Nhạt nhẽo cà phê đá take away. Ý kiến của bạn đọc hầu như trái ngược hoàn toàn với tác giả bài báo.



Ý kiến độc giả trên VnExpress

Khi Starbucks mới vào Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ của Cà phê Trung Nguyên, được báo chí mệnh danh là Vua cà phê Việt Nam, có lẽ vì quá lo lắng cho ngành cà phê giải khát quê nhà nên đã có lời nói có phần châm biếm: " Một thứ nước đường có chút mùi cà phê".

Không đơn thuần như nhiều người nghĩ

Có 2 điều cơ bản sau đây nên biết:




Cà phê Carpub coffee

1/ Cà phê take away thứ thiệt chỉ có thể pha được với cà phê nguyên chất. Cà phê nguyên chất có màu rất nhạt không giống với những loại cà phê có pha bắp, đậu hay bán trên thương trường có màu đen đậm mà mọi người đã quen rồi.
2/ Cách pha chế hoàn toàn khác. Lượng sữa nhiều hơn, và nhất là phải có máy chuyên dụng mới làm được. Các máy chuyên dụng phải có nhiều loại, cái rẻ nhất có giá không dưới 20 triệu đồng.




Máy pha cà phê ( Carpub coffee)

Cà phê là thứ thức uống được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay. Trải qua bao nhiêu năm, người vẫn chỉ thưởng thức cà phê theo cách truyền thống, nó đã ăn sâu vào thói quen của mỗi người.
Các loại cà phê bột trên thương trường hiện nay chủ yếu được chế biến từ các cơ sở nhỏ lẻ. Nó được pha chế với nhiều thứ nguyên liệu tạp nham như đậu, bắp và mùi vị hóa chất. Những loại cà phê này được bỏ mối cho các quán cà phê và các cửa hàng tạp hóa tiêu thụ. Sau nhiều năm chiếm lĩnh thị trường, nó đã tạo cho người tiêu dùng một thói quen vị giác, mà người ta hay thổi phồng lên gọi là "Gu". Thói quen vị giác về ăn uống không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều.
Từ khi các tập đoàn cà phê lớn của nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam,  đã làm cho những nhà kinh doanh cà phê trong nước phải giật mình nhìn lại bản thân. Lời nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thể hiện phần nào sự lo lắng hoảng hốt đó.

Tiếp theo những "ông lớn" như Starbucks, thì giới trẻ lưu học sinh cũng đã nhanh nhạy, đem về nước hình thức kinh doanh chế biến cà phê hiện đại, hay được gọi là cà phê Take away.



  •  Cách pha chế cà phê Take away hoàn toàn khác cách pha chế truyền thống.

Cách pha cà phê truyền thống từ trước đến nay thường là pha bằng phin hay vợt, sau đó thêm đường, sữa, đá vào theo ý thích. Cà phê phải đen, sánh, đắng, thơm. Chính điều này làm cho các loại cà phê pha thêm bắp đậu và hóa chất tạo mùi, có đất tồn tại thống lĩnh thị trường trong nhiều năm.

  • Cà phê Take away pha đúng cách phải được pha bằng cà phê nguyên chất.Nó có màu sáng, không đen quá và nhất là không đắng. Câu "giọt đắng cà phê" trong văn học thơ ca đã ăn sau vào trong tâm trí mỗi chúng ta, nên ta cứ nghĩ là cà phê phải đắng. Cà phê nguyên chất hảo hạng không đắng lắm, có thể uống không cần đường dễ dàng, ( người nước ngoài hay uống vậy). Bạn hãy thử uống không đường với các loại cà phê ở quán xem có uống nổi không.


  • Cà phê take away nhìn thì có vẻ ít cà phê, nhưng lượng cafein nhiều hơn. Nó giống một ly kem hơn là một ly cà phê đá truyền thống. Nó cần những máy chuyên dụng mới có thể làm được.



  •  Cà phê Take away dành cho những người có cuộc sống hiện đại, không nhiều thời gian. 

Trong cuộc sống hiện đại năng động ngày nay, nhiều người không có nhiều thời gian để ngồi "nhìn từng giọt đắng cà phê" nữa. Nhưng không phải vì vậy mà họ không có quyền được thưởng thức cà phê. Cách thưởng thức của họ khác chứ không thể bảo là họ không biết cách thưởng thức cà phê. Họ thường là những người tuổi trẻ, năng động. Vì vậy, họ cần nhiều thời gian cho học hành, công việc. Với ly cà phê chất lượng trên tay, họ thấy cái thú của nó và hiểu được giá trị đẳng cấp của họ.

Thay bằng dè bỉu chê bai, chúng ta hãy nhìn lại bản thân ngành cà phê của chúng ta.
Là một nước được tiếng là có sản lượng cà phê đứng vào hàng đầu thế giới, nhưng cà phê của chúng ta có chất lượng rất thấp và giá bán không cao.

Cà phê muốn có được chất lượng cao thì phải được chế biến đúng cách ngay từ khi thu hoạch. Cà phê phải được hái khi đã chín đỏ hoàn toàn, bóc vỏ khi mới thu hoạch và sấy khô.
Nhưng ở ta, do không đủ điều kiện sấy, nên người nông dân khi thu hoạch cà phê về thường phơi khô cả vỏ, sau đó mới xay lấy nhân. Khi thu hoạch thì xanh chín gì cũng hái tuốt một lượt. Lúc thu hoạch đang vào mùa mưa dầm, nên có khi cà phê được chất đống cả tuần lễ mới phơi được, làm cho chất lượng cà phê giảm đi rất nhiều.

Không riêng gì ngành cà phê, các ngành khác như dịch vụ, hóa phẩm, may mặc, ăn uống... đang dần dần rơi vào tay những công ty nước ngoài.

Một ly cà phê take away, nhỏ thôi, nó có thể chẳng làm cho một số người phải bận tâm. Nhưng với những ai quan tâm đến tình hình kinh tế của đất nước, sẽ phải nhìn lại những yếu kém của kinh tế nước nhà. Từ đó đặt ra những chiến lược phát triển đất nước.
Các nhà kinh doanh cần phải nhìn lại bản thân mình để không bị thua trên chính sân nhà.

Một số những người tuổi trẻ năng động, với tiềm lực vốn liếng ít ỏi, đang cố gắng giành lại thị phần từ những công ty nước ngoài, bằng việc mở cà phê take away. Chất lượng cà phê của họ không thua gì những công ty đó. Giá thành của họ thấp hơn rất nhiều vì họ năng động hơn và thuê mặt bằng thấp hơn. Báo chí không ủng hộ họ thì thôi, sao còn chê bai dè bỉu họ? Là người Việt sao không cảm thấy xót xa.

Cà phê take away mới du nhập vào nước ta một thời gian ngắn, nó chưa định hình được khái niệm cho nhiều người. Nhiều người vẫn nghĩ nó chỉ là một ly cà phê đá bỏ vào bịch mang đi. Không phải vậy, cà phe Take away: không đơn thuần như nhiều người nghĩ.

By: Thu Lam Nguyễn

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Cà phê xưa

Cà phê Hà Nội

Cà phê được người Pháp đưa và Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Ban đầu cây cà phê được trồng ở các tỉnh phía bắc, nhưng không phát triển được do khí hậu , thổ nhưỡng. Nó chỉ thực sự phát triển được khi đến vùng đất Tây nguyên: Buôn Ma Thuột ( DakLak). Đây là một trong những cây công nghiệp mà người Pháp đưa vào nước ta trồng cùng với cây cao su và cây chè, vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Nhưng việc thưởng thức cà phê có sớm hơn trước đó. Nó theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp ngay từ những ngày đầu. Những quán cà phê đầu tiên được lập nên ở Hà Nội bởi người Pháp và chủ yếu phục vụ cho những người lính viễn chinh. Sau đó những người bản địa giầu có bắt đầu tham gia và dần dần đến giới văn nghệ sỹ rồi phát triển ra đại trà công chúng như ngày nay.


Cà phê xưa ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Thời kỳ đó, ở Hà Nội có những quán cà phê của người Việt nổi tiếng như: Cà phê Giảng, Cà phê Lâm... Đây là những nơi mà giới văn nghệ sỹ xưa, khi chưa nổi tiếng như bây giờ, hay " nằm vùng" tại đó. Thời đó, Cà phê Lâm, chủ quán tên Lâm, thường được giới văn nghệ sỹ chưa thành tài gọi là Lâm Toét. Khi đó, những người như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Võ Tư Nghiêm, lúc chưa thành những danh họa, có những lúc còn phải gán tranh để trừ nợ tiền cà phê cho chủ quán Lâm Toét. Những người như Văn Cao, Tô Hoài , Nguyên Hồng, Thế Lữ, Phùng Quán, Hữu Loan... cũng hay tụ họp ở những quán cà phê này. Khi những văn nghệ sỹ này thành danh đã kéo theo tên tuổi của những quán cà phê xưa, tạo nên một nét thanh tao của Hà Nội.

Một số quán cà phê xưa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, như Cà phê Lâm, Cà phê Giảng, nhưng chỉ tồn tại lại cái tên thôi, còn cái hồn không còn nữa.


Cà phê Giảng ngày nay

Tôi đã từng đích thân đi tìm hiểu về những quán cà phê xưa gắn liền với những tên tuổi của những văn nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam. Trong một lần ra Hà Nội, tôi đã nhờ đứa em trai đưa tôi đến Cà phê Lâm.



Cà phê Lâm ngày nay

 Thật thất vọng. Chẳng có những gì như tôi đọc được trong các giai thoại văn học, nghệ thuật. Những thế hệ sau của cụ Lâm Toét chẳng phát huy được gia tài của cụ để lại. Cà phê thì dở, y như cà phê kho trên vỉa hè của Sài Gòn. Cũng treo những bức tranh, nhưng không phải của những danh họa xưa. Và hơn nữa, quán bẩn và nhếch nhác. Nếu chủ quán mới, hiểu được giá trị của những quán cà phê xưa gắn liền với tên tuổi của những văn nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam, biết cách giữ gìn và phát triển lên tầm nghệ thuật thì tốt biết mấy.

Cà phê Sài Gòn

 Vào những năm khoảng 1864, Sài Gòn đã có những quán cà phê do người Pháp mở. Có thể kể đến  những quán đầu tên như: Café de Paris trên đường Catinat ( Sau đổi tên là Tự Do, nay là đường Đồng Khởi), Lyonnais trên đường De lagrandiere ( Đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng).



Cà phê tại Continental xưa (Carpub.us)

Sau đó, có những quán nổi tiếng đến tận sau này ( sau 75) như Givral, Brodard, La Pagode.
Các quán cà phê này chủ yếu phục vụ cho đội quân viễn chinh, những nhà báo nước ngoài ( thời kỳ chiến tranh) và những người Việt giàu có, sớm hấp thụ lối sống phương Tây.



Cà phê vỉa hè xưa

Còn phần đông dân chúng Sài Gòn thưởng thức cà phê theo cách bình dân hơn, cà phê vỉa hè. Cà phê vỉa hè thường là pha bằng vợt, hay còn gọi là cà phê kho.



Cà phê vợt ( kho)

Cà phê được cho vào một cái túi vợt như chiếc vớ (tất), sau đó cho vào ấm sắc thuốc nấu lên như là kho. Nó được giới bình dân, ngồi ở những quán vỉa hè vừa nhâm nhi, vừa ngắm nhìn sự đời vào lúc sáng sớm.

Cà phê Tây nguyên

 Cà phê vào Hà Nội sớm hơn, Sài Gòn thưởng thức cà phê đa dạng hơn, nhưng nếu gọi là biết cách uống cà phê, phải kể đến thủ phủ của cà phê, đó là Tây nguyên.
Nếu bạn uống cà phê đen tại Dakmil, Buôn Ma Thuột, Daklak, bảo đảm sau một tuần sẽ nghiền, không thể bỏ được.
Cà phê trên Tây Nguyên được pha chế rất đậm và nguyên chất. Thông thường người ta dùng cà phê đen nóng, đậm đặc.
Không giống với người Sài Gòn, khi thưởng thức cà phê hay nói chuyện, người Tây nguyên uống cà phê một cách yên lặng. Họ yên lặng để thưởng thức vị đậm đà của cà phê nóng và yên lặng để nghe nhạc và suy ngẫm.

Tôi là người nghiền cà phê khi có một thời gian dài trên đất Tây Nguyên. Cà phê ngon nhất phải nói đến là ở Dakmil. Nhưng những quán cà phê có nhạc hay nhất phải kể đến KonTum. Kon Tum không phải là sứ sở của cà phê, nhưng những quán cà phê ở đây, vào những năm khoảng 1986, đã có những nét đặc trưng , không lẫn vào đâu được. Cà phê ngon là điều khỏi phải nói, nhưng nhạc hay mới là điều đáng bàn.
Ở đây, mỗi quán có một dòng nhạc ( gu âm nhạc) khác hẳn nhau và đều được chọn lọc một cách kỹ càng. Các quán như Trà My, Diễm Xưa, Da vàng... mỗi quán điều có những nét riêng, không lẫn với nhau. Ví dụ như Da Vàng thì chỉ có dòng nhạc Da vàng của Trịnh Công Sơn thôi. Chính điều này làm cho quán chọn lọc được khách hàng thân thiết, đồng thời làm cho khách hàng có thói quen yên lặng thưởng thức âm nhạc và cà phê.

Cà phê từ khi du nhập vào nước ta đến nay đã qua nhiều giai đoạn thế hệ. Mỗi thế hệ giai đoạn, vùng miền có những cách thưởng thức khác nhau. Nó đọng lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm khó quên. Ai đã từng thưởng thức cà phê có thể sẽ không quên được những kỷ niệm về những ly cà phê xưa.

By: Thu Lam Nguyễn
(Hình sưu tầm trên mang,
Có tham khảo bài trên mạng)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Carpub coffee có mặt tại Việt Nam

Carpub coffee là một hình thức kinh doanh và thưởng thức cà phê mang phong cách hiện đại. Nó rất thịnh hành ở các nước phát triển, có cuộc sống công nghiệp.
Đây là một hình thức cà phê tay cầm ( Take away), đang được giới trẻ ưa thích.




 Không giống như cách thưởng thức cà phê cổ điển là ngồi tại quán nhâm nhi giết thời gian, nó phục vụ những người có cuộc sống hiện đại không có nhiều thời gian. Với cách thức chế biến hoàn toàn khác cà phê cổ điển, Carpub coffee được pha chế theo phong cách hiện đại giúp cho người thưởng thức thể hiện được đẳng cấp của mình khi cầm trên tay ly Carpub coffee.

Carpub coffee được một nhóm các du học sinh ở một số nước phát triển đưa về Việt Nam. Với sự năng động của giới trẻ, cùng những kiến thức mang từ nước ngoài về, nhóm tuổi trẻ này đang từng bước tiếp cận khách hàng bằng thị trường siêu ngách.




Với giá cả cực kỳ dễ chịu, phù hợp với giới trẻ và phương thức tiếp cận năng động, Carpub coffee đang từng bước đem đến cho người dùng một phong cách thưởng thức café mới, phong cách Carpub coffee.
----
TL

Cây cà phê

Trên thế giới có khá nhiều người từng uống cà phê, nhưng không biết cây cà phê thân leo hay thân gởi.
Theo Wikipedia thì:
Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae).
Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm khác nhau. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng chứa caffein trong hạt, một số loài khác xa với những cây cà phê ta thường thấy. Chỉ có hai loài cà phê có ý nghĩa kinh tế. Loài thứ nhất có tên thông thường trong tiếng Việt là cà phê chè (tên khoa học: Coffea arabica), đại diện cho khoảng 61% các sản phẩm cà phê trên thế giới. Loài thứ hai là cà phê vối (tên khoa học: Coffea canephora hay Coffea robusta), chiếm gần 39% các sản phẩm cà phê. Ngoài ra còn có Coffea liberica và Coffea excelsa (ở Việt Nam gọi là cà phê mít) với sản lượng không đáng kể.( Hết trích).

Cây cà phê bắt đầu vào thu hoạch (Carpub coffee)

Việt Nam là trong những nước có sản lượng cà phê đứng vào hàng đầu thế giới. Cà phê của Việt Nam chủ yếu là Coffea Robusta, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên: Daklak, Gia lai, Dak Nông, Lâm Đồng. Một số ít trồng ở Long Khánh ( Đồng Nai), KonTum và Bình Phước. 
Thủ phủ của cà phê Việt Nam là ở Buôn Ma Thuột ( DakLak). Cây Cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam, những năm đầu Pháp thuộc, ở vùng Dakmil, Daklak ( Nay Dakmil thuộc tỉnh Dak Nông).
Cây Cà phê là loại cây lâu năm. Nó có thể cao tới 6m, nhưng thường thì người trồng phải bấm đọt hạn chế chiều cao nhằm tăng năng suất và dễ thu hoạch.


Hoa cà phê  (Carpub coffee)

Cà phê ra hoa từ năm thứ 2 sau khi trồng nhưng phải đến năm thứ 3 mới có thể cho thu hoạch bói. Cà phê là loài tự thụ phấn, hoa muốn nở cần có sự ức chế bởi một thời gian khô hạn ( cuối mùa khô). Sau thời gian bị hạn ức chế, các nụ hoa nhú ra nhưng chưa nở, chỉ khi nào được tới nước, hoa mới nở. Lúc này cây cần nhiều nước nhất.



Cà phê trái chín  (Carpub coffee)

Cây cà phê nở hoa vào tháng chạp ( gần Tết) và cho thu hoạch vào khoảng tháng 6 tháng 7 ( tùy theo thời tiết từng vùng), khi đã chín đỏ.
Sau khi thu hoạch trái chín về, người ta trà sát bóc lớp vỏ ngoài, chỉ lấy phần nhân, đem sấy khô thành cà phê nhân thương phẩm. Đây là quy trình để có được cà phê tốt nhất. Ở Việt Nam hiện nay, do người nông dân không có đủ điều kiện đầu tư máy sấy, nên sau khi thu hoạch về, cà phê chủ yếu là phơi khô cả vỏ, sau đó mới xay ra lấy nhân. Trong khi lúc thu hoạch đang là mùa mưa, việc phơi nắng gặp nhiều khó khăn, vì vậy chất lượng của cà phê giảm đi rất nhiều.



Cà phê nhân sau khi rang  (Carpub coffee)

Cà phê nhân thương phẩm sau khi rang và ngâm tẩm chế biến, được xay ra thành cà phê bột dùng để pha cà phê.


Để có được một ly cà phê như thế này cho bạn cầm trên tay thưởng thức, phải có biết bao công sức của nhiều người kết hợp lại. Từ người nông dân, một nắng hai sương trồng trọt, thu hoạch cà phê, cho đến những người nuôi bò sữa, rồi những người trồng mía, cho bạn có đường ngọt ngào trong mỗi ly cà phê. Và hơn nữa, phải có những người chế biến và phục vụ đến tận tay bạn những ly cà phê thơm phức, với giá vài chục ngàn đồng, hỏi là đắt hay rẻ? Vì vậy, bạn hãy nghĩ đến những điều đó, mỗi khi thưởng thức cà phê.

By: Thu Lam Nguyễn