Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Cà phê xưa

Cà phê Hà Nội

Cà phê được người Pháp đưa và Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Ban đầu cây cà phê được trồng ở các tỉnh phía bắc, nhưng không phát triển được do khí hậu , thổ nhưỡng. Nó chỉ thực sự phát triển được khi đến vùng đất Tây nguyên: Buôn Ma Thuột ( DakLak). Đây là một trong những cây công nghiệp mà người Pháp đưa vào nước ta trồng cùng với cây cao su và cây chè, vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Nhưng việc thưởng thức cà phê có sớm hơn trước đó. Nó theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp ngay từ những ngày đầu. Những quán cà phê đầu tiên được lập nên ở Hà Nội bởi người Pháp và chủ yếu phục vụ cho những người lính viễn chinh. Sau đó những người bản địa giầu có bắt đầu tham gia và dần dần đến giới văn nghệ sỹ rồi phát triển ra đại trà công chúng như ngày nay.


Cà phê xưa ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Thời kỳ đó, ở Hà Nội có những quán cà phê của người Việt nổi tiếng như: Cà phê Giảng, Cà phê Lâm... Đây là những nơi mà giới văn nghệ sỹ xưa, khi chưa nổi tiếng như bây giờ, hay " nằm vùng" tại đó. Thời đó, Cà phê Lâm, chủ quán tên Lâm, thường được giới văn nghệ sỹ chưa thành tài gọi là Lâm Toét. Khi đó, những người như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Võ Tư Nghiêm, lúc chưa thành những danh họa, có những lúc còn phải gán tranh để trừ nợ tiền cà phê cho chủ quán Lâm Toét. Những người như Văn Cao, Tô Hoài , Nguyên Hồng, Thế Lữ, Phùng Quán, Hữu Loan... cũng hay tụ họp ở những quán cà phê này. Khi những văn nghệ sỹ này thành danh đã kéo theo tên tuổi của những quán cà phê xưa, tạo nên một nét thanh tao của Hà Nội.

Một số quán cà phê xưa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, như Cà phê Lâm, Cà phê Giảng, nhưng chỉ tồn tại lại cái tên thôi, còn cái hồn không còn nữa.


Cà phê Giảng ngày nay

Tôi đã từng đích thân đi tìm hiểu về những quán cà phê xưa gắn liền với những tên tuổi của những văn nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam. Trong một lần ra Hà Nội, tôi đã nhờ đứa em trai đưa tôi đến Cà phê Lâm.



Cà phê Lâm ngày nay

 Thật thất vọng. Chẳng có những gì như tôi đọc được trong các giai thoại văn học, nghệ thuật. Những thế hệ sau của cụ Lâm Toét chẳng phát huy được gia tài của cụ để lại. Cà phê thì dở, y như cà phê kho trên vỉa hè của Sài Gòn. Cũng treo những bức tranh, nhưng không phải của những danh họa xưa. Và hơn nữa, quán bẩn và nhếch nhác. Nếu chủ quán mới, hiểu được giá trị của những quán cà phê xưa gắn liền với tên tuổi của những văn nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam, biết cách giữ gìn và phát triển lên tầm nghệ thuật thì tốt biết mấy.

Cà phê Sài Gòn

 Vào những năm khoảng 1864, Sài Gòn đã có những quán cà phê do người Pháp mở. Có thể kể đến  những quán đầu tên như: Café de Paris trên đường Catinat ( Sau đổi tên là Tự Do, nay là đường Đồng Khởi), Lyonnais trên đường De lagrandiere ( Đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng).



Cà phê tại Continental xưa (Carpub.us)

Sau đó, có những quán nổi tiếng đến tận sau này ( sau 75) như Givral, Brodard, La Pagode.
Các quán cà phê này chủ yếu phục vụ cho đội quân viễn chinh, những nhà báo nước ngoài ( thời kỳ chiến tranh) và những người Việt giàu có, sớm hấp thụ lối sống phương Tây.



Cà phê vỉa hè xưa

Còn phần đông dân chúng Sài Gòn thưởng thức cà phê theo cách bình dân hơn, cà phê vỉa hè. Cà phê vỉa hè thường là pha bằng vợt, hay còn gọi là cà phê kho.



Cà phê vợt ( kho)

Cà phê được cho vào một cái túi vợt như chiếc vớ (tất), sau đó cho vào ấm sắc thuốc nấu lên như là kho. Nó được giới bình dân, ngồi ở những quán vỉa hè vừa nhâm nhi, vừa ngắm nhìn sự đời vào lúc sáng sớm.

Cà phê Tây nguyên

 Cà phê vào Hà Nội sớm hơn, Sài Gòn thưởng thức cà phê đa dạng hơn, nhưng nếu gọi là biết cách uống cà phê, phải kể đến thủ phủ của cà phê, đó là Tây nguyên.
Nếu bạn uống cà phê đen tại Dakmil, Buôn Ma Thuột, Daklak, bảo đảm sau một tuần sẽ nghiền, không thể bỏ được.
Cà phê trên Tây Nguyên được pha chế rất đậm và nguyên chất. Thông thường người ta dùng cà phê đen nóng, đậm đặc.
Không giống với người Sài Gòn, khi thưởng thức cà phê hay nói chuyện, người Tây nguyên uống cà phê một cách yên lặng. Họ yên lặng để thưởng thức vị đậm đà của cà phê nóng và yên lặng để nghe nhạc và suy ngẫm.

Tôi là người nghiền cà phê khi có một thời gian dài trên đất Tây Nguyên. Cà phê ngon nhất phải nói đến là ở Dakmil. Nhưng những quán cà phê có nhạc hay nhất phải kể đến KonTum. Kon Tum không phải là sứ sở của cà phê, nhưng những quán cà phê ở đây, vào những năm khoảng 1986, đã có những nét đặc trưng , không lẫn vào đâu được. Cà phê ngon là điều khỏi phải nói, nhưng nhạc hay mới là điều đáng bàn.
Ở đây, mỗi quán có một dòng nhạc ( gu âm nhạc) khác hẳn nhau và đều được chọn lọc một cách kỹ càng. Các quán như Trà My, Diễm Xưa, Da vàng... mỗi quán điều có những nét riêng, không lẫn với nhau. Ví dụ như Da Vàng thì chỉ có dòng nhạc Da vàng của Trịnh Công Sơn thôi. Chính điều này làm cho quán chọn lọc được khách hàng thân thiết, đồng thời làm cho khách hàng có thói quen yên lặng thưởng thức âm nhạc và cà phê.

Cà phê từ khi du nhập vào nước ta đến nay đã qua nhiều giai đoạn thế hệ. Mỗi thế hệ giai đoạn, vùng miền có những cách thưởng thức khác nhau. Nó đọng lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm khó quên. Ai đã từng thưởng thức cà phê có thể sẽ không quên được những kỷ niệm về những ly cà phê xưa.

By: Thu Lam Nguyễn
(Hình sưu tầm trên mang,
Có tham khảo bài trên mạng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét